- Nói xấu đồng nghiệp trước mặt phụ huynh học sinh; Dùng nhiều chiêu ép học trò học thêm…là những chuyện chưa đẹp diễn ra trong môi trường giáo dục được nhà giáo Hương Giang đúc rút.


Ngày còn đi học, con luôn thần tượng các thầy cô giáo nên quyết tâm thi bằng được vào trường sư phạm. Tính con nhút nhát, sống không thích ganh đua và bon chen nên nghĩ mình phù hợp với môi trường mô phạm. Nhưng đi dạy rồi, con mới vỡ lẽ nhiều chuyện không phải như mình nghĩ…”. 


Lời tâm sự của Minh An, giáo sinh mới ra trường khiến người trong ngành như tôi cảm thấy chạnh lòng.


Nhưng công tâm nhìn lại thì cô bé nói cũng không sai. Bởi, những chuyện ganh ghét, đố kị, nói xấu lẫn nhau cũng luôn hiện hữu trong môi trường giáo dục – nơi các thầy cô hằng ngày đang dạy chữ, dạy người.


Nói xấu đồng nghiệp trước phụ huynh và học sinh


Cứ vào đầu năm học, khi danh sách giáo viên chủ nhiệm các lớp được công khai, thầy cô nghe được nhiều chuyện từ phụ huynh, khen ngợi cô này chê bai cô khác, nhiều người tỏ ra bức xúc vì con học với cô giáo: “không phải giáo viên dạy giỏi, cũng không chăm học sinh, đối xử với các em không công bằng”…mà điều đáng buồn, những thông tin phụ huynh nói ra thường được nghe từ những thầy cô giáo dốc bầu tâm sự theo kiểu” “Bé nhà chị xui rồi, em chỉ nói với chị, chị đừng nói với ai đấy nhé!”.


Cô Đ. là giáo viên dạy toán ở một trường trung học cơ sở, chẳng biết vì động cơ gì nhưng thường xuyên nói xấu đồng nghiệp của mình trước mặt tất cả các em học sinh. Lúc thì: “Bài toán này cô chỉ giải 3 dòng là xong, còn cô L giải cả trang vở mà chưa ra kết quả“. Khi thì: “Đề thi của cô M không được chọn vì cô ấy ra đề dở quá”, hay “May các em được cô dạy đó, chứ phải cô T như lớp B thì xui rồi…”.


Còn cô Th. lại thường xuyên đem chuyện mình trước đây từng học trường chuyên và tốt nghiệp trường đại học sư phạm uy tín để kể cho học trò nghe và chê bai dè bỉu một số đồng nghiệp: “Ngày học cấp 3, cô H học chung với cô, cô ấy học dở lắm, khi vào đại học chỉ đậu theo diện cử tuyển”. Học sinh chỉ biết nghe nhưng các thầy cô giáo đều hiểu: dù ngày xưa cô V học giỏi, tốt nghiệp sư phạm chính quy nhưng dự thi giáo viên dạy giỏi nhiều năm vẫn không đậu. Nhưng giờ đây, các thầy cô giáo mà cô V đang chê bai lại là giáo viên dạy giỏi các cấp.


Dùng nhiều chiêu ép học trò học thêm


Một số thầy cô giáo đã dùng “thủ đoạn’ để bắt ép học sinh học thêm dù các em không muốn.


Một trong những cách tỏ ra hữu hiệu nhất là trong đề bài kiểm tra hoặc câu hỏi kiểm tra bài cũ trên lớp luôn có một câu hỏi khó mà những ai đi học thêm mới làm được, câu hỏi thêm này chiếm đến 60% tổng số điểm kiểm tra. Vì thế một lớp có 42 em học sinh cũng gần 40 em đi học.


Vì sợ học sinh cho nhau mượn vở để học, một cô giáo dạy văn đã ghi lại danh sách những em đi học thêm để tiện việc theo dõi. Cho nên, học sinh nào trả lời đúng câu hỏi nâng cao của cô nhưng không có trong danh sách đi học thêm, cô giáo nói “Dù em trả lời được nhưng vẫn không đủ trình độ để hiểu, em đọc thuộc cũng chỉ là học vẹt mà thôi”.


Cao tay hơn, cô đã điều tra được tác giả cho bạn mượn vở. Thế là, em học trò ấy được “lên lớp” một trận và sợ không bao giờ dám nữa.


Đến đố kị và ganh ghét lẫn nhau


Những giáo viên luôn là “tâm điểm” của mọi chuyện đàm tiếu sau lưng phần lớn là những thầy cô có năng lực chuyên môn tốt hay có cuộc sống gia đình khá giả.


Từ chuyện có chiếc áo mới, đôi giày đẹp hay chiếc túi thời trang…cũng luôn được đem ra làm đề tài bàn tán. Họ bị để ý, theo dõi từng lời ăn tiếng nói đến mỗi tiết thao giảng dự giờ…


Nhìn bên ngoài, môi trường giáo dục nào cũng đoàn kết nhưng bên trong cũng “bè” nọ “cánh” kia.


Ngày càng ít đi những chia sẻ chân thành, những lời góp ý chân tình để đồng nghiệp sửa đổi.


Mọi người sống luôn có sự “đề phòng” và ‘cảnh giác” cao, vì chỉ một chút xảy lời, đôi khi chỉ là những chuyện đùa bông lơn nhưng ít phút sau, ban giám hiệu cũng biết hết. Khổ nỗi, những việc “nói đi thì nhẹ, nói lại thì nặng” nên lại xảy ra hiểu lầm và xích mích. Người này nghi ngờ người kia rồi luôn sống với nhau “bằng mặt mà không bằng lòng”.


Vì luôn đố kị, sợ người khác hơn mình nên khi thấy đồng nghiệp thành công hơn ở một lĩnh vực nào đó, lại kéo bè kết cánh cô lập họ. Có người còn viết đơn nặc danh tố cáo nhiều chuyện không có thực nhằm triệt hạ uy tín lẫn nhau…


Lời nói và việc làm trái ngược nhau


Thầy cô hằng ngày đứng trên bục giảng, luôn dạy học trò phải lễ phép với người trên, gặp người lớn tuổi thì chào hỏi, biết dùng hai tay khi đưa và nhận vật gì từ tay người lớn …


Nhưng không hiếm thầy cô giáo tiểu học, buồn và chạnh lòng khi thường xuyên gặp học trò cũ của mình giờ đã là giáo viên cấp 2, 3 họ tỏ ra lạnh lùng như chưa hề quen biết, nhiều khi gặp “giáp lá cà” cũng cố tình quay đi.


Những buổi họp phụ huynh, dù thầy cô còn ít tuổi nhưng vẫn thản nhiên ngồi báo cáo trước rất nhiều cha mẹ các em đã lớn tuổi hơn nhiều, không chào hỏi cũng chẳng cần thưa gửi, không một nụ cười hay lời cảm ơn. Vào cuộc họp, đọc xong bảng thu chi, nêu số tiền cần đóng góp rồi kết thúc cuộc họp.


Thiết nghĩ, để môi trường giáo dục phải thật sự có giáo dục, mỗi thầy cô phải là tấm gương mẫu mực trong từng hành động, lời nói….


Hương Giang



Thầy cô cũng nói xấu nhau tơi bời

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Post a Comment

Subscribe to: Posts (Atom)
 
Điểm thi - Điểm chuẩn tuyển sinh ©Email: tailieuchogiaovien@gmail.com. All Rights Reserved. Powered by Inluon.net
Top